Cường độ vận động tăng cao đột ngột, tập sai tư thế, dụng cụ tập không phù hợp, khởi động không kỹ và thiếu nghỉ ngơi là các nguyên nhân thường gặp gây chấn thương. Các môn thể thao như chạy bộ, bóng đá và bóng rổ có nguy cơ chấn thương mắt cá chân, đầu gối và vai cao hơn do nhiều hoạt động chạy và bật nhảy.
Vì vậy, việc khởi động và kéo giãn cơ trước khi tập rất quan trọng. Nó giúp tăng lưu lượng máu đến cơ, cải thiện động linh hoạt của khớp. Các bài khởi động phổ biến như xoay các khớp xương ở tay, chân, vai và hông, giãn cơ chân, bật nhảy tại chỗ, nhảy cóc, nhảy dây, hít đất hay kéo xà.
Tập đúng tư thế và kỹ thuật là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ chấn thương, đặc biệt đối với các môn đòi hỏi sức mạnh như nâng tạ. Khi tập sai kỹ thuật, khớp là một trong các bộ phận dễ bị chấn thương. Vậy nên, người tập cần chú ý đến kỹ thuật tập luyện để tránh các chấn thương.
Chúng ta cũng cần ăn uống đủ chất để cung cấp đủ nguồn năng lượng cho cơ thể. Các dưỡng chất quan trọng như tinh bột, protein và chất béo lành mạnh sẽ giúp cơ bắp, xương, hoạt động tim, phổi, não và thị giác ở trạng thái tốt nhất.
Nghỉ ngơi không đầy đủ sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái quá tải, đặc biệt đối với các khớp và cơ. Người tập nên nghỉ tập ít nhất 1 ngày/tuần để cho cơ thể đủ thời gian phục hồi. Nếu không, nguy cơ chấn thương sẽ tăng đáng kể.
Người tập cần biết rõ giới hạn thể chất của cơ thể để tránh gây áp quá lực lớn lên các khối cơ, khớp, gân và dây chằng. Chạy quá nhiều, nâng tạ quá nặng đến mức ở ngưỡng giới hạn thể chất đều rất dễ dẫn đến chấn thương, theo Medical News Today.