Điểm nổi bật là Cần Thơ đã đào tạo được 106 bác sĩ gia đình tại các tuyến y tế cơ sở. Mới đây, thành phố đã thành lập 3 phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế ở Q.Cái Răng, Q.Thốt Nốt và H.Vĩnh Thạnh. Đây là một trong những mô hình mà Cần Thơ đang đặt nhiều tâm huyết để phát triển, nhằm mang lại những dịch vụ y tế chất lượng cao và thiết thực cho người dân.
Ông Cường giải thích rằng, ở nước ngoài, bác sĩ gia đình là những người rất giỏi, có thể tổng quát được tất cả các bệnh từ nhi đến sản - phụ khoa, người già, người cao tuổi. Họ học chuyên khoa, học rất sâu. Còn ở Việt Nam, việc đào tạo bác sĩ gia đình chỉ trong 3 tháng là chưa đủ. Ông kiến nghị Bộ Y tế và các trường đào tạo nên xem xét, sửa đổi quy định này, ít nhất cũng phải từ 3-4 năm mới trở thành bác sĩ gia đình thực sự.
Tuy nhiên, ngành y tế Cần Thơ vẫn còn được kỳ vọng nhiều hơn trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao nhân lực, triển khai dịch vụ kỹ thuật cao và ứng dụng công nghệ. Ngoài tập trung phát triển mô hình bác sĩ gia đình, Cần Thơ cần thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Đặc biệt, với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ cần chú ý phát triển hài hòa y tế cơ sở cả trong và ngoài công lập, để người dân có thể thanh toán BHYT ở bất kỳ đâu.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý về cơ chế thanh toán BHYT, đó là thanh toán cho người bệnh chứ không phải bệnh. Việc cập nhật danh mục thuốc thanh toán BHYT chậm ảnh hưởng không nhỏ tới việc khám chữa bệnh của người dân. Hiện nay, người dân chỉ thanh BHYT được khoảng 70%, còn 30% phải tự túi mua các loại thuốc mới ngoài danh mục. Bộ Y tế đã ban hành thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có tham gia BHYT, trong trường hợp bất khả kháng, họ vẫn được thanh toán trực tiếp khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế.