Ở ung thư vú, hiện 80 - 90% bệnh nhân đến khám được phát hiện trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên, với ung thư phổi, phần lớn người bệnh được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển, giai đoạn muộn. Đây là một sự khác biệt đáng chú ý. Thông qua khám sàng lọc và chụp X-quang, các bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Nhưng hiện vẫn có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.
Chuyên gia ung bướu của Bệnh viện K T.Ư lưu ý rằng, mặc dù nhiều người biết việc phát hiện sớm bệnh ung thư sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công, vẫn có nhiều trường hợp khi phát hiện ra bệnh ung thư phổi thì bệnh đã ở vào giai đoạn cuối. Đầu tiên là do thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ của người dân còn thấp, không chủ động khám sàng lọc bệnh. Đa số người dân đến bệnh viện khám khi thấy các hiện tượng của bệnh trở nên nặng và không thể tự chữa ở nhà. Tâm lý sợ bệnh viện, sợ khám bệnh khiến nhiều người không thể phát hiện sớm bệnh ung thư phổi.
Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn là một trong các triệu chứng thường gặp. Thường xuyên thấy đau ngực cũng là một dấu hiệu. Ho ra máu, khó thở, ngạt mũi, khàn giọng; viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại; phù nề vùng mặt và cổ; mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân; mệt mỏi. Những triệu chứng này thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường, nên cần lưu ý và khám sàng lọc sớm.
Khám sàng lọc giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư phổi. Tại buổi khám sàng lọc tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), các bác sĩ của các bệnh viện: K T.Ư, Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội đã khám sàng lọc ung thư phổi cho khoảng 500 người dân. Chương trình do Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư và đối tác tài trợ triển khai. Các ca nghi ngờ sẽ tiếp tục được chuyển tới bệnh viện chuyên khoa chụp CT liều thấp, giúp phát hiện sớm nếu mắc phải.